Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Tổng quan về viêm đại tràng

12/10/2018

VIÊM ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ?


Đại tràng (kết tràng) là đoạn cuối của ống tiêu hóa có chiều dài khoảng 150cm. Đại tràng có thể phân chia thành nhiều đoạn: Đại tràng lên, Đại tràng ngang, Đại tràng xuống và Đại tràng xích ma. Chức năng chính của Đại tràng là tiếp nhận cặn bã từ ruột non chuyển xuống trước khi tống chúng ra ngoài cơ thể. Tại đây, nước sẽ tiếp tục được tái hấp thu qua cơ chế chủ động với số lượng không hạn chế. Ngoài ra Đại tràng cũng hấp thu các chất còn sót lại như glucoza, axit amin và các vitamin mà ruột non chưa hấp thu hết. Trong Đại tràng, hệ vi sinh vật rất phức tạp phát triển gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn, cùng các chất độc giải phóng ra như CO2, CH4, H2S…. Do vậy Đại tràng rất dễ bị tổn thương và viêm nhiễm.

 

Trong các bệnh lý về Đại tràng thì viêm Đại tràng là một bệnh phổ biến thường thấy nhất. Tỷ lệ người mắc bệnh này ở nước ta là khá cao, người lớn – trung niên mắc nhiều hơn trẻ em, vùng nông thôn bị nhiều hơn thành thị. Nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều bia rượu, điều kiện sinh hoạt, ăn uống không điều độ và thiếu vệ sinh.

 

Khi bị viêm, trong lòng Đại tràng bị phù nề, viêm đỏ. Nhiều trường hợp có kèm theo với các ổ loét. Ổ loét có thể chỉ là vết xước hoặc trợt niêm mạc, có ổ loét thực sự sâu, bờ đều mềm mại, ở đáy có nhầy, mủ, máu…

 

Ảnh minh họa

 

Viêm Đại tràng gồm hai thể cấp tính và mãn tính. Phần lớn thể mãn tính thường xuất phát từ những đợt viêm cấp tính không điều trị triệt để (bệnh vừa hết triệu chứng đã thôi không dùng thuốc). Các đợt viêm tái phát, dai dẳng và trở thành mãn tính.

 

Viêm Đại tràng mãn tính có thể dẫn tới ung thu Đại tràng. Người bệnh thường lo lắng về tình trạng bệnh của mình, ăn uống kiêm khem dẫn tới thiếu chất, cơ thể suy nhược nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, gây trở ngại cho công việc và sinh hoạt hàng ngày.

 

Nguyên nhân

 

Viêm Đại tràng cấp tính: Chủ yếu do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa qua miệng, tác nhân gây bệnh thường là:

 

- Các loại vi khuẩn gây bệnh như Shigella, Samonella….

 

- Nhiễm nguyên sinh động vật : Amip, lamblia.

 

- Nhiễm ký sinh trùng: Các loại giun sống ký sinh ở Đại tràng như giun đũa, giun kim, giun tóc và các loại sán ruột.

 

- Chế độ ăn uống: Ăn uống không điều độ hoặc các thức ăn gây kích thích, ôi thiu gây tổn thương niêm mạc ruột.

 

Viêm Đại tràng mãn tính: Do viêm cấp tính lâu ngày mà bị hoặc các nguyên nhân khác (lao ruột, rối loạn thần kinh thực vật, táo bón lâu ngày…).

 

TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM ĐẠI TRÀNG

 

Viêm Đại tràng cấp tính: Tùy cơ chế nhiễm độc tố hoặc cơ chế xâm nhập của quá trình nhiễm khuẩn mà Viêm Đại tràng cấp tính thể hiện bằng ỉa chảy hoặc bằng hội chứng lị. Cả 2 cơ chế này cũng có thể xảy ra cùng một lúc do một tác nhân gây bệnh.

 

- Ỉa chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước, có thể ỉa liên tục do cơ tròn hậu môn mất tác dụng, có thể mất 3-4 lít nước/ngày phân thường giống như nước gạo, không có máu, mủ hoặc chất nhầy.

 

- Hội chứng lị: Đại tiện rất nhiều lần, mỗi lần chỉ có rất ít hoặc không có phân, cơn đau mót rặn, đau quặn từng cơn dọc theo khung đại tràng, nhất là vùng xích ma – trực tràng, đồng thời có phản ứng mót rặn khiến người bệnh phải đi ngay. Sau đó dù có phân hay không có, cơn đau tuy bớt nhưng chỉ một lúc sau lại tái diễn, có khi liên tục. Thường phân  rất ít, lẫn với chất nhầy niêm dịch, nhầy, máu cầm và bọt hơi. Tác nhân gây bệnh gắn vào niêm mạc đại tràng, xâm nhập nhanh vào các tế bào biểu mô, sinh sôi nảy nở, phá hủy các tế bào, gây phản ứng viêm cùng với các ổ loét ở niêm mạc đặc trưng cho bệnh lí.

 

Viêm Đại tràng mãn tính:

 

- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn, đi từ 2 đến 6 lần trong ngày. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.

 

-Bụng trướng hơi dọc khung Đại tràng. Miệng đắng, kém ăn và ăn không tiêu. Bệnh nhân luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.

 

- Đau bụng: Là triệu chứng hay gặp. Đau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung Đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Sau khi trung tiện hoặc đại tiện thì đau giảm hơn. Bụng cũng thường đau khi thức đêm, suy nghĩ lo lắng nhiều.

 

Điều trị

 

Hiện nay, thuốc tân dược thường được sử dụng trong điều trị viêm Đại tràng cấp và mãn tính là Kháng sinh đường ruột (Biceptol, Flagyl, Flagentyl...) và thuốc điều hòa nhu động ruột (Visceralgin, Dobridat, Rekalat...).

 

Tuy nhiên, tân dược hầu như chỉ có tác dụng với bệnh viêm Đại tràng cấp tính. Ở thể mãn tính, thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ chưa tập trung và giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, bệnh thường tái phát, dai dẳng không hết.

 

Một hướng mới là sử dụng các thuốc có nguồn gốc thảo dược theo luận thuyết âm dương ngũ hành, với hàng nghìn năm lý luận, kinh nghiệm thực hành điều trị. Ưu điểm nổi trội của Y học cổ truyền là tập trung vào nguyên nhân gây bệnh nên thường đạt hiệu quả cao đối với bệnh mãn tính trong đó có bệnh viêm Đại tràng mãn tính.

 

Viêm đại tràng theo Y học cổ truyền

 

Viêm Đại tràng mạn tính thuộc phạm vi các chứng bệnh như phúc thống, tiết tả, lỵ tật, tràng phong... Với những kinh nghiệm được tích lũy từ hàng ngàn năm, Y học cổ truyền có rất nhiều thế mạnh trong phòng chữa căn bệnh này. Theo Y học cổ truyền, có 4 nhân tố chính gây bệnh viêm Đại tràng mãn tính:

 

- Ngoại tà lục dâm - mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

 

- Ẩm thực bất điều, nghĩa là ăn uống không điều độ, kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Ăn thức ăn béo nhiều mỡ khó tiêu, uống nhiều rượu bia…Nguyên nhân này được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm Đại tràng mãn tính.

 

- Thất tình nội thương hay yếu tố tinh thần, đặc biệt là hay lo lắng, buồn phiền hoặc cáu giận kéo dài, công việc căng thẳng, stress….

 

- Tỳ vị tố hư, nghĩa là cơ thể vốn bị suy nhược hoặc bệnh tật lâu ngày.

 

Các nhân tố trên ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công năng của tỳ vị và Đại tràng, khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng và bài tiết các chất cặn bã bị rối loạn, từ đó mà phát sinh các triệu chứng và tình trạng của viêm Đại tràng mãn tính như đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy, chướng bụng, cơ thể suy nhược…Viêm Đại tràng mãn tính thường thể hiện ở 2 thể: Tỳ hư khí trệ và Táo kết co thắt.

 

Thể tỳ hư khí trệ: Biểu hiện bụng đầy, nóng ruột, sôi bụng (âm hư sinh nội nhiệt), khí thượng nghịch, đi ngoài nhiều lần, đau về đêm và gần sáng. Tinh thần lo lắng, đau vùng hạ vị từng cơn, có lúc trung tiện được cảm giác dễ chịu, bụng sôi, óc ách, rêu lưỡi trắng dày, mạch tế sác.

 

Thể táo kết co thắt: Thường do lo nghĩ, stress, ngồi nhiều, ít hoạt động, suy dinh dưỡng... Triệu chứng thường thấy đầy hơi, ăn không tiêu, đau từng cơn vùng hạ vị tùy theo khung Đại tràng co thắt, người mệt mỏi, ăn ngủ kém, phiền muộn, đi ngoài táo kết hoặc phân đầu táo, đuôi nhão, có lúc nhầy mũi.

 

Nguyên tắc điều trị chung của viêm Đại tràng mãn tính là bổ tỳ ích tràng, thanh nhiệt thấm thấp, hoạt huyết hóa ứ. Bài thuốc thường hay được sử dụng là Hương sa lục quân và bài Sâm linh bạch truật tán. Công năng chính của những bài thuốc này là tập trung vào toàn bộ hệ thống đường tiêu hoá, gồm tỳ vị, can đởm đến tiểu trường, Đại tràng.

 

Ngoài ra, để đảm bảo tính toàn diện của điều trị, bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp, tích cực tập luyện thể dục thể thao, dưỡng sinh để nâng cao sức đề kháng (chính khí), bảo đảm giấc ngủ và tạo lập đời sống tinh thần thoải mái…