Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

6 điều cần biết về ung thư đại tràng

10/10/2018 Admin

​Ung thư đại tràng hay ung thư ruột già hoặc ung thư ruột kết (colon cancer) là căn bệnh có tỉ lệ tử vong thứ hai trong nhóm bệnh ung thư nói chung ở cả đàn ông lẫn phụ nữ. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), năm 2015 tại Mỹ có thêm 93.000 ca mắc ung thư đại tràng mới song thực tế kiến thức phòng tránh của người dân hiện nay còn rất kém.

1. Dấu hiệu và triệu chứng ung thư đại tràng dễ bị bỏ qua

 

Thông thường, ung thư đại tràng được phát hiện sớm, tỉ lệ sống còn tương đối cao, nhưng thực tế căn bệnh này lại dễ bị bỏ qua. Bệnh ung thư đại tràng phải mất 10 - 15 năm để các tế bào bất thường và polyp phát triển thành bệnh. Đây là thời gian dài giúp người trong cuộc đi khám và loại bỏ các yếu tố tiềm ẩn. Theo thống kê, tỉ lệ ung thư đại tràng trong 20 năm gần đây giảm đáng kể, chủ yếu là nhờ kỹ thuật sàng lọc tốt nhưng thực tế mới chỉ có một nửa nhóm người trên 50 tuổi đi khám và điều trị theo khuyến cáo của bác sĩ. Theo ACS, bắt đầu từ tuổi 50, mọi người, nhất là nhóm có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao như: có tiền sử gia đình mắc bệnh, sức khỏe yếu thì nên tư vấn, khám nếu có bất kỳ các triệu chứng nào dưới đây:

 

- Có máu trong phân.

 

- Trực tràng chảy máu.

 

- Co thắt, đau hoặc đầy hơi mạn tính.

 

- Tiêu chảy, táo bón hoặc phân “hẹp” không giống như bình thường kéo dài vài ngày.

 

- Khó khăn khi đi tiêu, các dấu hiệu khó chịu không giảm sau khi đã đại tiện.

 

- Giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và suy yếu cơ thể.

 

 

Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng ( ảnh minh họa)

 

2. Các dấu hiệu dễ bị bác sĩ bỏ qua

 

Ngay cả khi người trong cuộc có các triệu chứng ung thư đại tràng cần đi khám, đôi khi cũng bị chẩn đoán nhầm. Theo một nghiên cứu công bố cuối năm 2014, trung bình cứ 20 người Mỹ mắc bệnh ung thư đại tràng thì có 1 bị chẩn đoán nhầm. Tuy tỉ lệ này tuy nhỏ nhưng hậu quả lại rất lớn. Nghiên cứu cũng cho thấy, các phương pháp chẩn đoán khác nhau thường cho các kết quả khác nhau và dựa trên kết quả khám dẫn đến việc kết luận sai hoặc đánh giá thấp triệu chứng. Vì vậy, người trong cuộc cũng cần có chính kiến, kiến thức, nếu không yên tâm, có thể đi khám ở các cơ sở khác hoặc khám nhiều lần để đối chứng, nhất là khi bản thân có các triệu chứng nói trên.

 

3. Mức độ tử vong vì ung thư đại tràng không đồng nhất

 

Theo ACS, một nửa số ca tử vong sớm vì ung thư đại tràng có liên quan đến nhiều yếu tố như địa bàn sinh sống, chủng tộc, giáo dục và hoàn cảnh kinh tế... Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Oncology cho thấy nhóm người dân tộc thiểu số, thu nhập và dân trí thấp là nhóm có tỉ lệ tử vong vì ung thư đại tràng cao nhất. trong khi đó những người da trắng có kiến thức về phòng chống bệnh, đặc biệt là ung thư đại tràng là nhóm có tỉ lệ tử vong thấp nhất, chỉ có khoảng 8.000 ca tử vong sớm vì ung thư đại tràng mỗi năm. Điều này chứng tỏ kiến thức phòng bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

 

4. Thịt đỏ, thủ phạm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng?

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh bệnh ung thư đại tràng có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống giàu protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ. Ví dụ, một nghiên cứu ở châu Âu công bố năm 2005 ở 478.000 người trưởng thành cho thấy những người ăn trên 140g thịt đỏ mỗi ngày thì nguy cơ tăng bệnh ung thư đại tràng tới 33% so với nhóm đối chứng không ăn hoặc ăn ít thịt đỏ. Cũng trong năm 2005, các nhà khoa học Mỹ cũng phát hiện thấy việc ăn nhiều thịt đỏ đã qua chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Mặc dù chưa tìm thấy cơ chế cụ thể thịt đỏ gây ung thư đại tràng, nhưng các nhà khoa học lại phát hiện thấy mối liên kết gia tăng bệnh của thịt đỏ, trong khi đó, chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm bệnh.

 

5. Rủi ro mắc bệnh ung thư đại tràng gia tăng nếu mắc đái tháo đường týp 2 và IBD

 

Nếu bị bệnh viêm ruột (IBD) hoặc bệnh đái tháo đường týp 2 thì nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng sẽ cao hơn so với nhóm người bình thường. IBD bao gồm cả bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng, hai căn bệnh này làm tăng tình trạng viêm mãn tính đại tràng. Quá trình viêm nhiễm này có thể dẫn đến tình trạng phát triển không bình thường của hệ thống tiêu hóa hoặc tạo ra các tế bào bất thường, lâu ngày dẫn đến ung thư.

 

Tương tự, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng có nguy cơ gia tăng bệnh ung thư đại tràng. Bởi các yếu tố nguy cơ gây bệnh chung của bệnh đái tháo đường týp 2 và ung thư đại tràng đều giống nhau như như béo phì, bệnh tự miễn... Ngoài ra, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân tiểu đường týp 2 cũng mang một tiên lượng xấu làm cho người trong cuộc dễ bị ung thư. Vì vậy nhóm người này cần đi khám sớm để có giải pháp phòng chống kịp thời.

 

6. Ung thư đại tràng là căn bệnh có thể phòng ngừa được?

 

Theo ACS có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng có thể kiểm soát được, nhất là trong điều kiện y học phát triển như ngày nay. Rất đơn giản như duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, nên tăng cường thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ. Duy trì cuộc sống ưa hoạt động, hạn chế cuộc sống tĩnh tại, mỗi ngày nên tập thể dục 30 phút/ 5 ngày mỗi tuần. Cần theo dõi cơ thể, nếu có các triệu chứng bất thường, thì nên đi tư vấn, khám chữa kịp thời. Ngay cả khi gia đình có người mắc bệnh ung thư đại tràng, bản thân mắc bệnh IBD, đái tháo đường týp 2 hay các bệnh nan y khác thì cũng không nên lo lắng, nên đi khám, chữa trị đồng thời các căn bệnh này sẽ giúp tầm soát, và hạn chế nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng.

 

 Theo SKĐS