Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Có nên cắt bỏ polyp đại tràng không?

08/10/2018

Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên bề mặt trong đại tràng (ruột già). Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT).

Trong trường hợp có nhiều polyp hoặc polyp có kích thước lớn hoặc đã gây biến chứng như: đau bụng, ra máu, nôn, buồn nôn cần được được hội chẩn để chỉ định phẫu thuật cắt bỏ, nhằm ngăn ngừa xuất hiện ung thư. Hiện nay có nhiều kỹ thuật khác nhau, nếu khối u có kích thước nhỏ có thể được cắt qua soi đại tràng. Trong các trường hợp khối u lớn có thể hội chẩn để có phương pháp xử lý thích hợp (mổ nội soi hay mổ mở ổ bụng) nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Trong trường hợp có chỉ định cắt bỏ polyp có kích thước lớn nhằm mục tiêu hạn chế phát triển thành ung thư đại tràng.

 

 

Ảnh minh họa

 

Người bệnh sau khi cắt bỏ polyp cần tái khám theo định kỳ để được theo dõi chặt chẽ, không được chủ quan, đặc biệt là NCT. Bên cạnh đó, sau khi đã loại bỏ polyp có thể sử dụng một số thuốc nhằm hạn chế polyp tái phát. Nhưng dùng loại thuốc gì, liều lượng và sử dụng trong thời gian bao lâu phải có chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, người bệnh không nên nghe theo sự mách bảo của người khác hoặc xem trên mạng internet, bởi vì, dùng một số thuốc đó có thể có các tác dụng không mong muốn cần được lưu ý.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

 

Để phòng bệnh, NCT cần có chế độ ăn uống và lối sống hợp lý. Hàng ngày hạn chế ăn nhiều chất béo, mỡ động vật (lòng động vật), các loại thịt đỏ. Hạn chế đến mức tối đa rượu, bia. NCT cần tăng cường ăn rau, củ, quả và chất xơ. Vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên, đúng bài bản là điều rất cần thiết. Phương pháp đơn giản dễ thực hiện, không tốn kém là đi bộ, mỗi một ngày tổng thời gian khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần. Ngoài ra có thể chơi cầu lông, bóng bàn, bơi nếu như có sức khỏe tốt.

 

Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (SKĐS)