Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Hội chứng ruột kích thích

16/08/2018 Admin

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một rối loạn tiêu hóa thường gặp, thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tần suất và biểu hiện của bệnh

 

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT=Irritable Bowel Syndrome=IBS) được gọi dưới nhiều tên khác nhau như hội chứng đại tràng kích thích, bệnh đại tràng co thắt, là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào. Osler đặt ra tên gọi “viêm đại tràng nhầy” vào năm 1892 khi ông viết về một rối loạn bao gồm đau bụng và tiêu phân nhày xảy ra với một tỷ lệ cao ở những bệnh nhân có bệnh tâm lý đi kèm. Kể từ đó, hội chứng này đã được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau như đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, đại tràng thần kinh…

 

Tần suất của HCRKT thay đổi tùy theo từng quốc gia, trung bình là 15-20% dân số. Tuy nhiên, số bệnh nhân thật sự còn lớn hơn nhiều vì chỉ có khoảng 30% trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và thường xảy ra <30 tuổi. Các triệu chứng thường gặp rất phong phú và thường không đặc hiệu. Đa số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các thức ăn: Sữa, pho mát, đồ rán, socola, bia, bắp cải, đậu, cá, cua, sữa, mỡ, trứng... Bên cạnh đó còn có vai trò của chấn thương tâm lý tình cảm, căng thẳng thần kinh mệt mỏi thể lực, mất ngủ, lo nghĩ...

 

Các biểu hiện thường là:

 

Rối loạn tiêu hóa: Thường là đi sệt lỏng ngày 3-4 lần, nhất là buổi sáng khi mới thức dậy, gia tăng khi lo lắng và giảm khi nghỉ ngơi. Mỗi đợt vài ngày đến vài tuần, mỗi năm nhiều đợt. Thường xuất hiện sau ăn thức ăn cá, cua, ốc, hến, sữa, bơ... hoặc sau khi căng thẳng, mệt mỏi mất ngủ... Đi lỏng thường kèm theo với đau bụng hoặc không. Trước khi đại tiện thấy đau ê ẩm hoặc đau quặn, đại tiện xong thường thấy dễ chịu. Có người còn cảm thấy đau tức khó chịu ở hậu môn, mót đi ngoài hoặc có cảm giác như đi chưa hết phân, có khi phải ngồi lâu mặc dù phân lỏng. Phân lỏng nát nhưng có thể đoạn đầu cứng đoạn sau nát. Trong ngày phân lần đầu nát nhưng các lần sau lẫn nhầy hoặc toàn nhầy, đặc biệt là phân không bao giờ có máu (trừ khi có trĩ).

 

Ảnh minh họa

 

Táo bón hoặc đại tiện phân từng dải nhỏ, hoặc táo bón lỏng xen kẽ, cảm giác đại tiện chưa hết, sau khi đại tiện xong vẫn còn cảm giác còn muốn đại tiện hoặc cảm giác mót sau hậu môn sau khi đại tiện mà không có hội chứng lị. Phân khô cứng thành cục nhỏ, lớp nhầy bám vòng quanh hoặc như phân dê.

 

Khó chịu vùng bụng với cảm giác trướng hơi hoặc đau lâm râm vùng bụng. Vị trí đau rất thất thường, có thể đau ở hố chậu hoặc hạ sườn, có lúc lại đau lan toả khắp ổ bụng, nhưng thường là nằm dọc khung đại tràng. Đau có tính chất mạn tính, có từng cơn, từng đợt tái phát nhiều lần; Đau giảm nhẹ khi trung, đại tiện được.

 

Đầy hơi thường xuất hiện sau ăn được nửa bữa đã có cảm giác khó chịu đau bụng phải ợ hay trung tiện mới dễ chịu. Do vậy ăn không được mặc dù vẫn thèm ăn. Đầy hơi thường đi đôi với sôi bụng, có khi cuộn ruột thành từng đoạn cứng và đau, xoa day một lúc hoặc để tự nhiên cũng mất đi hoặc đoạn cứng di chuyển sang chỗ khác. Một số bệnh nhân có cảm giác nóng ở ổ bụng

 

Đa số các bệnh nhân có trạng thái thần kinh không ổn định, dễ nhậy cảm, hay lo nghĩ hồi hộp, ra nhiều mồ hôi chân tay vào mùa đông; có đau đầu theo thời tiết có dạng nhức đầu cơn Migrain, ở nữ đau bụng khi hành kinh.

 

Làm gì để chẩn đoán?

 

Hiện nay, chẩn đoán sau khi loại trừ các nguyên nhân thực thể, thường dựa vào tiêu chuẩn của Manning (đau bụng mạn tính hoặc kéo dài trên 6 tháng, đau giảm sau khi đại tiện, đau bụng kèm đại tiện phân nhão, trướng bụng, cảm giác đại tiện không hết, phân nhầy) hoặc dựa vào tiêu chuẩn Rome III (đau bụng trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tuần của một năm có hai hoặc ba đặc điểm: Giảm đau hoặc dễ chịu sau khi đại tiện, đau bụng có liên quan đến số lần đại tiện, đau bụng có liên quan đến độ quánh của phân).

 

Manning và các cộng sự đưa ra 6 tiêu chí để phân biệt hội chứng ruột kích thích với các bệnh đường ruột có thương tổn thực thể. Các tiêu chí Manning để phân biệt hội chứng ruột kích thích với các bệnh thực thể gồm:

 

- Các cơn đau khởi phát có liên quan với việc đi tiêu thường xuyên hơn

 

- Các cơn đau khởi phát có liên quan với đi tiêu lỏng nhiều hơn .

 

- Giảm đau sau khi đi tiêu.

 

- Bụng đầy hơi nhận thấy được.

 

- Cảm giác chủ quan đi tiêu không sạch ruột ở 25% trường hợp.

 

- Tiêu phân nhày >25% trường hợp.

 

Các tiêu chuẩn Rome III (2006) để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích yêu cầu bệnh nhân phải có đau bụng thường xuyên hay khó chịu ít nhất 3 ngày/tháng trong 3 tháng trước đó và kết hợp với 2 hoặc nhiều hơn các điểm sau đây:

 

- Bớt đau sau khi đại tiện.

 

- Khởi phát liên quan đến thay đổi về số lần đại tiện.

 

- Khởi phát liên quan đến thay đổi về hình thức và hình dạng của phân.

 

Các triệu chứng hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

 

- Thay đổi về số lần đại tiện.

 

- Thay đổi về hình thức của phân.

 

- Thay đổi về kiểu cách đại tiện (mót đại tiện và/hoặc mót rặn).

 

- Đại tiện phân nhày.

 

- Chướng bụng hoặc đầy hơi chủ quan.

 

Điều trị như thế nào?

 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy bệnh nhân bị HCRKT dễ tăng nhu động ruột so với người bình thường. Các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm, bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Do đó cần tạo mối quan hệ tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ.

 

Điều trị HCRKT chủ yếu tập trung vào các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống.

 

Điều trị triệu chứng: Tùy theo triệu chứng nổi trội là gì mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các nhóm thuốc khác nhau như: Thuốc chống co thắt, thuốc chống táo bón, thuốc trị tiêu chảy, thuốc chống đầy hơi hay thuốc an thần kinh.

 

Chế độ ăn uống và luyện tập: Giữ vai trò hết sức quan trọng. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên…

 

BS. Nguyễn Hải