Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Nguy cơ ung thư từ viêm đại tràng

16/08/2018 Admin

Theo TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, viêm đại tràng nếu không được chữa trị dứt điểm thì dễ bị tái phát và trở thành viêm đại tràng mạn tính, thậm chí dẫn đến ung thư đại tràng.

Bác sĩ có thể cho biết, dấu hiệu nào để nhận biết sớm bệnh viêm đại tràng?


- Bệnh đại tràng chia 2 thành loại: Bệnh đại tràng chức năng, không có tổn thương trên niêm mạc đại tràng nhưng vẫn gây đau bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, hoặc gây cả hai táo bón và đi ngoài lỏng. Bệnh ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt hàng ngày nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng.


Bệnh đại tràng trên niêm mạc có tổn thương viêm, gây chảy máu đại tràng, sau 8 - 10 năm thường tiến triển nặng, nguy cơ tiến triển thành tế bào ác tính gây ung thư. Một loại nữa không viêm nhưng soi thấy polyp, trong đó có polyp tuyến trên 1cm nguy cơ gây ung thư cao hơn, dưới 0,5cm ít gây ung thư. Như vậy là có bệnh đại tràng gây ung thư và có loại không gây ung thư.


Triệu chứng của các bệnh lý đại tràng thường rất đa dạng và tùy theo từng bệnh lý cụ thể mà có các triệu chứng khác nhau. Người bệnh thường có cảm giác đau bụng âm ỉ, có thể quặn từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng, kèm cảm giác chướng bụng đầy hơi, ăn kém, không ngon miệng. Triệu chứng rối loạn đại tiện là triệu chứng rất hay gặp ở các bệnh lý đại tràng.


Người bệnh có thể đi ngoài nhiều lần, cảm giác mót rặn, phân lỏng có thể lẫn nhầy máu mũi, hoặc cũng có thể bị táo bón, phân rắn, nhiều ngày không đi ngoài. Cũng có những bệnh nhân mắc cả 2 nhóm triệu chứng đi lỏng và táo bón. Dù trong nhóm triệu chứng nào thì các bệnh lý đại tràng cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

 

 

Ảnh minh họa


Chế độ ăn và lối sống có ảnh hưởng đến bệnh này thế nào, thưa bác sĩ?


- Bệnh đại tràng chức năng (hội chứng ruột kích thích) thường xuất hiện ở người trẻ, tỉ lệ người trẻ cao 10 - 20% dân số. Nguyên nhân từ môi trường sống, thức ăn, cơ địa, nhất là căng thẳng, stress kéo dài thì dễ mắc căn bệnh này. Ngày nay do có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn trước nên phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn và phát hiện ở cả người trẻ, chứ không phải là trước đây bệnh ít xuất hiện ở người trẻ.


Bệnh có nguy cơ trở thành ung thư đại tràng không, để phòng ung thư đại tràng thì cần làm gì, thưa bác sĩ?


- Bệnh đại tràng chức năng thì không gây ung thư, nhưng bệnh đại tràng thực thể như viêm loét đại tràng chảy máu, dễ gây ung thư. Tuy nhiên, bệnh ung thư đại tràng ít xuất hiện ở người dưới 50 tuổi, mà chủ yếu trên 50 tuổi, trên 80% gặp ở những người có polyp đại tràng, xuất hiện nhiều ở nhóm người ăn nhiều thịt đỏ và thịt có chất bảo quản thì tăng nguy cơ hơn. Những người hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên cũng có nguy cơ cao. Ở nhóm người ăn nhiều rau chất xơ thì ít mắc bệnh hơn.


Khi có các triệu chứng của bệnh, nhiều người thường tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để giảm đau và nhanh làm lành vết loét. Điều này có nguy hại gì đến tình trạng của bệnh không?


- Chúng tôi luôn khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng tất cả các loại thuốc, không chỉ riêng nhóm kháng sinh. Các bệnh chức năng không hẳn do vi khuẩn gây ra, nếu uống thuốc kháng sinh, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn bởi lúc đó kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn có lợi.


Nếu bệnh nhân đi ngoài ra máu kéo dài 5 - 6 tháng vẫn tự ý uống thuốc, cứ cầm rồi lại bị theo chu kỳ, rất có thể đã bị ung thư đại tràng. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn bác sĩ!