Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thực phẩm

10/09/2018

Ngộ độc thực phẩm là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi chúng ta ăn, uống những thức ăn nhiễm độc, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, không hợp vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia. Ngày nay, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra với những người có thói quen thường xuyên ăn hàng quán với thức ăn không được chế biến sạch sẽ. Nhận biết được các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm giúp giảm thời gian điều trị và người bệnh sớm hồi phục hơn.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm

 

- Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi chúng ta ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ, có khi là vài ngày. Khi bị ngộ độc sẽ có triệu chứng buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38ºC.

 

- Các triệu của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp người bệnh bị ngộ độc thực phẩm nôn và rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Phải rất lưu ý đến dấu hiệu mất nước của cơ thể người bệnh, nhất là khi nôn và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần/ ngày, sốt cao, khô môi, khô miệng, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước); thở nhanh, mạch nhanh, có thể co giật, mệt lả, nước tiểu ít, sẫm màu.

 

Ảnh minh họa

 

Những loại thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc:

 

- Ăn thịt gỏi hay thịt tái.

 

- Ăn cá và hải sản (sò, trai, nghêu, cua, ghẹ) tươi sống hay chưa chín kỹ.

 

- Các món trứng chưa hoàn toàn được nấu kỹ.

 

- Ăn các món gỏi.

 

- Ăn một số loại rau sống như đậu, cải bruxen.

 

- Nước trái cây chưa diệt khuẩn.

 

- Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa diệt khuẩn.

 

Cách xử lý nhanh khi bị ngộ độc thực phẩm

 

- Xử lý nhanh và kịp thời với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm là một trong những điều rất cần thiết. Nếu nghi ngờ một người bị ngộ độc mà trong tình trạng còn tỉnh táo, ta cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn người bệnh bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách gây phản xạ nôn.

 

- Khi cho người bệnh nôn, cần để đầu người bệnh cúi thấp hơn ngực để tránh dịch nôn bị sặc vào phổi. Trong trường hợp ngộ độc chất độc là xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn.

 

- Cho người bệnh nhập viện kịp thời để tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Cho người bệnh uống than hoạt (1g/kg cân nặng) đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy). Sau đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt qua đường phân.

 

Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị. Trường hợp đến muộn, cần gửi người bệnh đến khoa hồi sức cấp cứu để xử trí. Ngoài ra, liên hệ với Trung tâm Chống độc Trung ương để hỏi thông tin khi thấy cần thiết.

 

Theo Tạp chí sức khỏe

Truy cập website www.viemdaitrang.com.vn để biết thêm thông tin về bệnh viêm đại tràng hoặc gọi tới tổng đại miễn cước 1800545435 để được các chuyên gia tư vấn.