Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Những dấu hiệu ung thư đại trực tràng ai cũng bỏ qua

12/09/2018

Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra nhầy kèm máu...dường như ai cũng gặp phải, nhưng nhiều người lại không nghĩ đó là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại trực tràng.

Cẩn trọng với những dấu hiệu đơn giản

 

Ung thư đại trực tràng là căn bệnh rất hay gặp phải, đặc biệt là những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng chống, thậm chí là chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Theo các chuyên gia, để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì việc nhận biết các dấu hiệu bệnh ban đầu là vô cùng quan trọng.

 

Các chuyên gia cũng cho biết, đa số người dân thường nhầm lẫn các dấu hiệu bệnh ban đầu với các căn bệnh thông thường khác, bởi thế khi phát hiện ra bệnh ung thư đại trực tràng thường ở giai đoạn muộn hoặc rất muộn gây khó khăn trong quá trình điều trị.

 

Để giúp nhận biết các dấu hiệu sớm và dấu hiệu rõ ràng gây nên căn bệnh ung thư đại trực tràng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật Tổng hợp (Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ).

 

Theo tiến sĩ Thái, đại tràng là nơi chứa phân để đi ngoài, vì thế dấu hiệu đầu tiên đó chính là rối loạn đại tiện mà dân gian hay gọi là rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện cụ thể như: đi táo, đi lỏng, đi táo đi lỏng thất thường...

 

“Đặc biệt là dấu hiệu đi ngoài ra máu, ở đây có hai dạng đó là sau khi đi ngoài thì có máu tươi ngay sau đó phủ bên ngoài phân, đó thường là những tổn thường ngoài hậu môn và người ta thường nghĩ đến là bệnh trĩ.

 

Ảnh minh họa

 

Còn ung thư đại trực tràng là máu lẫn nhầy trong phân, vì vùng niêm mạc khi bị ung thư sẽ bị viêm và tiết dịch nhầy, bởi vậy máu thường lẫn với nhầy. Đây là dấu hiệu rất quan trọng cảnh báo bệnh ung thư đại tràng”, tiến sĩ Thái nói.

 

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như đau bụng, đau quặn bụng từng cơn, gầy sút cân nhanh chóng, khi ung thư ở giai đoạn muộn có trường hợp còn sờ thấy cả khối u trên bụng.

 

Đồng quan điểm trên, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, nguyên phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đại trực tràng là bệnh có khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành đại tràng hoặc trực tràng.

 

Theo phó giáo sư Hiếu, triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn ra xung quanh và mức độ lan ra toàn cơ thể (di căn). Phần lớn các biểu hiện của bệnh không đặc trưng nên thường không nghĩ tới ung thư.

 

Theo đó, các dấu hiệu khi ung thư tại chỗ bao gồm chảy máu đường tiêu hóa dưới, thay đổi thói quen đại tiện, tắc ruột gây nên đau bụng, táo bón và nôn. Những dấu hiệu trên thường hay gặp, nhưng nhiều người bệnh thường chủ quan bỏ qua và coi nhẹ.

 

Khi khối ung thư đại trực tràng chuyển sang giai đoạn di căn thì dường như rất ít các triệu chứng, theo đó nếu di căn sang gan thường xuất hiện một số biểu hiện như vàng da, đau bụng do u xâm lấn bao gan, đường mật...

 

Soi đại tràng phát hiện ung thư như thế nào?

 

Theo các chuyên gia, nếu người nào thường có những biểu hiện như trên, hoặc những người trên 50 tuổi dù không có triệu chứng cũng cần phải tiến hành soi đại tràng. Nếu soi đại tràng hoàn toàn bình thường và không có polyp thì sau mười năm mới phải soi lại.

 

Theo đó, khi  soi đại tràng phát hiện có từ 3-10 polyp loại tuyến ống (tubular adenomas) trở lên hoặc có loạn sản mức độ cao hoặc polyp có kích thước 1 cm bệnh nhân cần được soi lại tại thời điểm 3 năm sau đó. Nếu có nhiều hơn 10 polyp tuyến cần soi lại  trong vòng trước 3 năm. Đối với polyp răng cưa (serrated polyp) 1cm cần soi lại tại thời điểm 3 năm sau đó.

 

Những người ít có nguy cơ ung thư đại trực tràng đó là khi soi đại tràng phát hiện có 1-2 polyp  loại tuyến ống, hoặc polyp kích thước nhỏ <1 cm và không có loạn sản  mức độ cao, những bệnh nhân này soi đại tràng lại sau 5-10 năm. Đối với polyp răng cưa <1cm và không có loạn sản soi lại tại thời điểm 5 năm sau đó. Đối với trường hợp polyp tăng sản (hyperplastic polyp) bệnh nhân cần soi lại tại thời điểm 10 năm  sau đó.

 

Những người có tiền sử gia đình như: bố mẹ, anh em ruột và con bị ung thư đại trực tràng cần soi đại tràng để sàng lọc ở tuổi 40 hoặc trước 10 năm so với tuổi của người thân bị ung thư đại trực tràng.

 

Những người bị viêm loét đại tràng chảy máu hoặc bị bệnh đường ruột cần soi đại tràng hàng năm kể từ năm thứ 8 khi phát hiện bị tổn thương toàn bộ đại tràng hoặc từ năm thứ 12 đối với tổn thương toàn bộ đại tràng trái. Để phát hiện những tổn thương loạn sản.

 

Những người bị hội chứng polyp có tính chất gia đình (Familial adenomatous polyposis -FAP)  cần soi đại tràng hàng năm.

 

Ung thư đang là căn bệnh “giết người” đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết các căn bệnh ung thư hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh, mà chỉ xác định được các yếu tố nguy cơ.

 

Theo Khám Phá