Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Nội soi đại tràng có đau không?

05/09/2018

Bạn sẽ được bác sĩ chỉ định nội soi đại tràng khi bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày không khỏi, hay đi ngoài ra máu nhiều lần, khi cần theo dõi tái phát sau phẫu thuật ung thư đại tràng, hoặc cần tầm soát ung thư đại tràng sớm do bạn thuộc nhóm nguy cơ cao (gia đình từng có người bị bệnh này hay bị đa polýp đại tràng).

Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán rất hữu hiệu các tổn thương ở đại tràng, dù chỉ có kích thước vài mm.

 

Những điều xảy ra khi nội soi đại tràng

 

Bác sĩ sẽ đưa qua hậu môn của bạn một ống soi mềm dài đến 1,7 m, đường kính khoảng 1,3 cm có đèn và camera đến tận manh tràng (vùng tiếp giữa ruột non và ruột già), nhằm phát hiện các tổn thương và lấy mẫu mô để xét nghiệm nếu cần thiết. Thường bệnh nhân khá lo lắng, sợ hãi khi được chỉ định làm thủ thuật này, và cách tốt nhất để an tâm là tìm hiểu kỹ bạn cần làm gì trước, trong và sau khi nội soi.

 

Để đưa ống soi vào “thám hiểm”, đại tràng của bạn sẽ được bơm hơi vì nó vốn xẹp và gấp khúc. Điều này thường khiến bạn khó chịu, cảm thấy căng tức bụng, đôi khi thấy buồn đại tiện. Một số người thậm chí còn cảm thấy đau do các mạc treo đại tràng bị kéo căng. Nếu bạn đau quá, bác sĩ có thể rút bớt hơi hoặc cho đổi tư thế nằm. Trong khi nội soi, bạn có thể cùng bác sĩ quan sát và trao đổi về những hình ảnh trong niêm mạc ruột của bạn được truyền ra và phóng đại trên màn hình.

 

Soi xong, nhiều người cảm thấy chóng mặt một chút. Và vì đại tràng vẫn còn hơi nên bạn dễ thấy chướng bụng, chỉ cần vào toilet một lúc để xì hơi là sẽ thoải mái trở lại.

 

Với những bệnh nhân quá lo lắng, bác sĩ có thể cho thuốc để họ ngủ trong thời gian làm thủ thuật, với sự theo dõi sức khỏe bằng máy monitoring. Bệnh nhân sẽ tỉnh lại sau khoảng nửa giờ đồng hồ.

 

Những lưu ý trước khi nội soi đại tràng

 

Việc chuẩn bị nội soi đại tràng là rất quan trọng để đảm bảo cho lòng ruột thật sạch và bác sĩ không bỏ sót tổn thương khi soi.

 

Trước ngày nội soi đại tràng, bạn chỉ nên ăn đồ lỏng, dễ tiêu như cháo, và không ăn gì sau 20h. Sáng hôm sau, bạn uống thuốc tẩy ruột để tháo hết những gì còn lại trong ống tiêu hóa; hoặc dùng thuốc thụt hậu môn. Bạn cần tuyệt đối tuân thủ vì khi soi, nếu thấy trong ruột vẫn chưa sạch thì bác sĩ sẽ rút ống và hẹn bạn hôm khác đến làm lại.

 

 - Đối với bệnh nhân sử dụng Fortran: buổi chiều uống hết 3 gói Fortran pha trong 3 lít nước.

 

- Đối với bệnh nhân sử dụng Fleet Phospho-Soda: Hòa chai thuốc trong 1 ly nước lớn (300ml) và uống. Trong khoảng thời gian 3 giờ tiếp theo phải uống đủ 3 lít nước (có thể dùng các nước giải khát không màu, không uống sữa).

 

 

Từ lúc uống thuốc đến khi soi bạn nhịn ăn hoàn toàn. Chỉ uống nước đường nếu thấy đói ( ảnh minh họa)

 

Với cách chuẩn bị như trên, bạn sẽ đi tiêu nhiều lần ra nước trong cho đến khi ruột hoàn toàn sạch. Trong một số trường hợp, không thể dùng được Fortran (vd :bệnh tim mạch, rối loạn nước điện giải, nghi tắc ruột....) bác sĩ sẽ có cách chuẩn bị đặc biệt khác phù hợp.

 

Trong các trường hợp có cắt polyp, cần thông tin cho bác sĩ về các rối loạn đông máu, các thuốc đang dùng nếu có.

 

ST

Truy cập website www.viemdaitrang.com.vn để biết thêm thông tin về bệnh viêm đại tràng hoặc gọi tới tổng đại miễn cước 1800545435 để được các chuyên gia tư vấn.