Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Sai lầm cần tránh khi chăm trẻ tiêu chảy

22/09/2018 Admin

Có thể cho trẻ uống nước sôi để nguội, nước dừa, nước chanh đường, nước muối đường, hoặc dung dịch Oresol theo toa bác sĩ. Không ép bé ăn nhưng cũng không được nhịn ăn, nhịn uống.

Xót xa khi con vừa ói vừa đi tiêu dữ dội, cả tháng mới lên được vài lạng trọng lượng, bao nhiêu công sức chăm con đi tong, nên mỗi lần con bị tiêu chảy là chị Quỳnh, Thủ Đức, TP HCM cuống cả lên. Nghe lời khuyên của bà cụ ở cùng dãy trọ, chị cho con nhịn ăn, chỉ bú một ít sữa mẹ để "ruột được nghỉ ngơi". Bản thân chị cũng kiêng khem dầu mỡ, chất tanh, khiến cho việc tiết sữa gặp khó khăn. Đến ngày thứ ba, khi bé có biểu hiện co giật, sốt cao, chị mới hốt hoảng đưa con vào bệnh viện.

 

Theo các bác sỹ chuyên khoa, sai lầm phổ biến nhất mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi trẻ bị tiêu chảy là cho trẻ nhịn ăn. Thông thường, khi trẻ tiêu chảy không nên ép ăn, nhưng cũng không nên bắt nhịn ăn. Nên ăn thức ăn dễ tiêu và ăn nhẹ vừa phải. Nhiều trường hợp trẻ tiêu chảy nhiều mà không được cho ăn sẽ dẫn đến hạ đường huyết, có thể gây co giật.

 

"Nhiều phụ huynh cũng không cho trẻ uống nước vì sợ 'uống bao nhiêu ra bấy nhiêu'. Cần phải quan niệm ngược lại 'ra bao nhiêu thì uống bấy nhiêu và hơn nữa'. Khi trẻ tiêu chảy nhiều, cơ thể trẻ mất một lượng nước đáng kể, do đó phải cung cấp thêm nước cho trẻ để bù lại lượng nước mất. Trẻ có thể khó uống, dễ nôn, do đó nên cho trẻ uống bằng muỗng từng ngụm nhỏ và thường xuyên", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

 

Ảnh minh họa

 

Ngoài ra, không ít bà mẹ còn tự điều trị cho trẻ bằng thuốc cầm tiêu chảy, hoặc tự cho trẻ uống kháng sinh... Tiêu chảy do vi khuẩn, độc tố vi khuẩn nằm trong ruột nhiều nên thải phân ra càng nhiều càng tốt, chỉ cần cung cấp nước cho trẻ, và đưa trẻ đi khám kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở trẻ em.

 

Bác sĩ khuyến cáo, để bù lượng nước bị mất do tiêu chảy, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước dừa, nước chanh đường, nước muối đường, hoặc dung dịch Oresol theo toa bác sĩ.

 

Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi và nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Với trẻ còn đang bú mẹ, nên tăng thêm số lần cho con bú. Nếu đứa trẻ vì mệt không muốn bú mẹ thì tốt nhất là vắt sữa vào một ly sạch (đã khử trùng) rồi cho trẻ uống bằng muỗng. Người mẹ không được kiêng khem dầu, mỡ vì chất béo sẽ giúp tăng hấp thu các vitamin A, D, E, K. Trẻ cần được theo dõi số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng uống bù nước và ăn uống.

 

Nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy:

 

- Trẻ tiêu chảy kèm sốt cao, khó hạ.

 

- Trẻ li bì hoặc co giật.

 

- Trẻ đi tiêu lỏng liên tục hoặc trẻ tiêu phân có đàm nhớt hoặc phân có máu.

 

- Trẻ nôn ói nhiều, không uống được nước.

 

- Trẻ có dấu hiệu môi khô, lưỡi khô, khóc không có nước mắt, tiểu ít…