Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Giảm nguy cơ do xuất huyết tiêu hóa

22/09/2018 Admin

Xuất huyết tiêu hoá là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch của ống tiêu hoá vào trong lòng ống tiêu hoá. Đây là một cấp cứu thường gặp, có nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nguy cơ tử vong phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết tiêu hoá.Phát hiện sớm và xử trí kịp thời sẽ làm giảm đáng kể biến chứng và tử vong.

Làm thế nào để nhận biết?

 

Nôn ra máu đỏ, máu đen, máu cục, dịch máu, dịch cặn đen là triệu chứng điển hình nhưng cũng cần phân biệt với ho ra máu, khạc ra máu, chảy máu từ miệng, răng, lợi, mũi họng. Ngoài ra, cũng phải phân biệt với nôn thức ăn màu đen, thức ăn ứ đọng lâu ngày.

 

Đại tiện phân đen. Trường hợp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt có thể đi ngoài ra máu đỏ sẫm. Cần phân biệt phân đen do thuốc (viên sắt, bismuth...), do thức ăn.

 

Viêm loét trực tràng chảy máu

 

Các biểu hiện của mất máu: mạch nhanh, hoa mắt, chóng mặt, da xanh... tuỳ mức độ thiếu máu sẽ thấy vã mồ hôi, chân tay lạnh nổi da gà, da niêm mạc nhợt, có khi vật vã giẫy giụa, có khi có ngất xỉu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nông, đái ít, có khi vô niệu.

 

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, xơ gan mất bù, do dùng thuốc, do ung thư dạ dày...

 

Do loét dạ dày hành tá tràng: đó là nguyên nhân hay gặp nhất, máu chảy ra dưới hình thức: nôn ra máu, ỉa phân đen và ỉa phân đen tiềm tàng. Chảy máu với đặc điểm khối lượng máu thường nhiều, xảy ra nhiều lần có thể gây ra tình trạng thiếu máu trầm trọng; kết hợp với các triệu chứng khác như đau ở vùng thượng vị có chu kỳ... chẩn đoán bằng nội soi dạ dày.

 

Ảnh minh họa 

 

Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: hiện tượng này gặp trong các bệnh xơ gan, hội chứng Bannti, hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan): máu ở hệ tĩnh mạch cửa bị cản trở sẽ qua những đường bàng hệ để trở về tĩnh mạch chủ dưới phần bàng hệ phình giãn và tăng áp lực. Đặc điểm của loại chảy máu này là: Máu tươi, màu hơi đen vì là máu tĩnh mạch; khối lượng thường rất nhiều và không lẫn thức ăn; kết hợp với các triệu chứng khác như tuần hoàn bàng hệ dưới da bụng, cổ trướng, lách to. Một số nguyên nhân ít gặp hơn như ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp, viêm loét trợt thực quản...

 

Tùy theo nguyên nhân mà chiến thuật xử trí và điều trị sẽ khác nhau. Có thể chia chảy máu tiêu hóa làm hai nhóm chính là chảy máu tiêu hóa trên (từ góc Treitz trở lên) và chảy máu tiêu hóa dưới (dưới góc Treitz đến hậu môn).

 

Chảy máu từ đại tràng: là loại chảy máu thường gặp trong chảy máu tiêu hoá thấp. Các nguyên nhân hay gặp bao gồm: Lị trực trùng: thường xảy ra ở trẻ em có yếu tố dịch tễ kèm theo. Lâm sàng có hội chứng nhiễm khuẩn có thể nhiễm độc với sốt cao, đau quặn bụng dữ dội, đại tiện nhiều lần 15 - 20 lần/ngày kèm mót rặn và đau hậu môn. Phân lỏng, rất ít hoặc chỉ toàn máu, màu đỏ sẫm như máu cá hoặc nước rửa thịt; Lị amíp: bệnh cảnh lâm sàng thường nhẹ với sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu, thường máu chỉ dính quanh phân có màu đỏ tươi, kèm dấu hiệu mót rặn và đau hậu môn sau đại tiện; Ung thư đại tràng: là bệnh lý thường gây chảy máu tiêu hoá thấp ở người già. Ung thư đại tràng phải thường kèm theo dấu hiệu đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng trái thường là dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi; còn ung thư trực tràng hậu môn thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi chảy máu hậu môn một cách tự nhiên; Viêm loét đại trực tràng chảy máu: bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trẻ với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi.

 

Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu trong trĩ, polyp, nứt kẽ hậu môn, Crohn đại - trực tràng...

 

Chảy máu từ ruột non (đây thường là một trong các bệnh lý khó phát hiện nhất): Thương hàn: Ngoài những triệu chứng của bệnh cảnh thương hàn, biến chứng chảy máu thường xảy ra sau 1 - 2 tuần do biến chứng loét ruột, có thể kèm theo biến chứng thủng ruột. Bệnh nhân đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc đỏ sẫm.

 

Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Đây là một cấp cứu nội - ngoại khoa. Bệnh cảnh thường là nặng nếu xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40 - 41 độ C.

 

Bệnh Crohn: Thường gặp là tổn thương vùng hồi manh tràng với đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Biến chứng chảy máu thường gặp vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh với tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột. Điều trị bằng kháng sinh, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.

 

Ngoài ra, còn có thể gặp chảy máu ruột non từ các nguyên nhân hiếm gặp khác như: lồng ruột, lao ruột, ung thư ruột non hoặc chảy máu từ ruột non trong bệnh lý chảy máu toàn thể như trong sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu cấp...

 

Lời khuyên của bác sĩ

 

Cần điều trị loét dạ dày - tá tràng triệt để nếu bị bệnh, nhất là diệt Helicobacter Pylori để tránh tái phát loét. Chảy máu tiêu hóa xuất hiện dưới rất nhiều dạng khiến người bệnh hay chủ quan nên thường đến bệnh viện khi bệnh đã nặng. Chính vì thế, người bệnh cần có ý thức tự bảo vệ mình, nếu có biểu hiện bất thường, nên tới khám sớm ở các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Theo SKĐS