Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

7 điều cần tuyệt đối tránh khi bị táo bón để bệnh không thêm trầm trọng

27/08/2018

Táo bón là một bệnh tiêu hóa gây khó chịu, đau đớn, thậm chí có thể khiến đại tràng bị tắc nghẽn. Nếu không muốn bệnh thêm tồi tệ, người bệnh nên tránh những việc sau đây.

Theo Tổ chức Sức khỏe Phụ Nữ, Mỹ, hơn 4 triệu người Mỹ thường xuyên bị táo bón. Nữ giới có nguy cơ bị táo bón gấp ba lần nam giới. Một số bác sĩ cho rằng nguyên do vì kết cấu của đại tràng dài với nhiều phần xoắn và nếp gấp là một rào cản cho bộ máy tiêu hóa.

 

"Táo bón không chỉ rất khó chịu, mà còn có thể khiến đại tràng bị tắc nghẽn (táo bón dai dẳng), điều này có thể đòi hỏi phải điều trị xâm lấn hơn là chỉ dùng thuốc nhuận tràng”, bác sĩ chuyên khoa dạ dày Lee Ann Chen tại Trung tâm Y tế NYU Langone, Mỹ giải thích.

 

Do đó bạn cần tránh làm những điều dưới đây để không làm bệnh táo bón trở nên trầm trọng hơn:

 

1. Ăn thực phẩm chế biến

 

Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón.

 

Tuy nhiên, giáo sư Toyia James-Stevenson, bác sỹ chuyên khoa dạ dày của Đại học Y Indiana, Mỹ cho biết trong thực phẩm đã qua chế biến có chứa fructans-carbohydrate giúp kéo dài hạn sử dụng nhưng lại phá huỷ quá trình tiêu hóa tự nhiên của cơ thể do ruột không có các enzyme cần thiết để phá vỡ chất này.

 

"Fructans được tìm thấy trong một số loại thực phẩm phổ biến như bánh mì, mì ống và bánh quy giòn và chúng gây ra đầy bụng, táo bón, tiêu chảy và chướng bụng đầy hơi", cô nói. Vì vậy, bạn nên ăn những loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu, hạt, gạo lức, lúa mì, và yến mạch.

 

Bác sĩ chuyên khoa về hệ tiêu hóa Theodore Sy phát biểu tại hội thảo tại Trung tâm Y tế Saddleback Memorial ở Laguna Hills, California, Mỹ: "Tôi khuyên các bệnh nhân nên ăn từ 25 - 30gr chất xơ mỗi ngày. Chất xơ đôi khi có thể gây ra đầy bụng và chướng khí, vì thế tốt nhất nên từ từ tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn cho đến khi đạt được số lượng được yêu cầu".

 

Ảnh minh họa

 

2. Uống rượu hoặc cà phê

 

Bác sĩ Bhavesh Shah, giám đốc chuyên khoa tiêu hoá tại Trung tâm Y tế Memorial Long Beach ở California, Mỹ cho biết, uống rượu sẽ gây ức chế hoạt động của hormone chống lợi tiểu làm tăng tiểu tiện.

 

Trong khi đó, đi tiểu nhiều có thể dẫn đến mất nước và làm cho các triệu chứng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Tương tự như vậy, caffeine là một chất kích thích có thể gây ra táo bón ở một số người.

 

Theo James-Stevenson: "Uống nước hàng ngày là rất cần thiết, một phụ nữ khỏe mạnh trung bình nên uống ít nhất 2lit nước mỗi ngày. Nếu bạn muốn có thêm lựa chọn về mùi vị, nước ép mận khô là sự thay thế tốt nhất để giảm táo bón".

 

3. Tiêu thụ quá nhiều các sản phẩm từ sữa

 

Trên thực tế, các sản phẩm sữa có thể khiến bạn bị đầy bụng. Bác sĩ Theo James-Stevenson cho rằng nguyên nhân là do sự thiếu hụt enzym lactase cần thiết trong ruột non để phá vỡ lactose trong sữa thành các loại đường đơn giản dễ hấp thụ. Các sản phẩm sữa có hàm lượng lactose cao bao gồm sữa bò, kem, pho mát.

 

4. Không thể dục thường xuyên

 

"Ít hoạt động thể chất là yếu tố chính gây táo bón, điều này có thể làm giảm nhu động ruột và giảm lượng máu đến ruột non", bác sĩ James-Stevenson tiết lộ. Bất kỳ loại tập thể dục nào cũng có ích trong việc chống lại chứng táo bón, bao gồm đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội, yoga và hơn thế nữa.

 

5. Uống thuốc bổ sung sắt và canxi

 

Joann Kwah, bác sĩ đa khoa, chuyên gia về dạ dày thuộc Trung tâm Y tế Montefiore, New York, Mỹ giải thích: "Thuốc bổ sung sắt và canxi có thể gây táo bón vì chúng làm chậm sự co rút của hệ thống tiêu hoá".

 

Nhưng hãy thận trọng: Những loại vitamin này thường được bác sĩ khuyên dùng nếu cơ thể bạn đang bị thiếu hụt. Vì vậy, nếu sức khoẻ bạn đòi hỏi phải uống thuốc nhưng các phản ứng phụ gây kích thích trong ruột, bạn nên yêu cầu bác sĩ đưa lựa chọn thay thế (như ăn nhiều thức ăn có hàm lượng sắt cao).

 

6. Uống thuốc giảm đau

 

"Một số loại thuốc có thể góp phần gây ra táo bón, bao gồm thuốc giảm đau không theo đơn và thuốc chống viêm không steroid theo toa như ibuprofen và naproxen” bác sĩ James-Stevenson nhấn mạnh.

 

Bạn có thể ngừng các loại thuốc như Motrin và Aleve và chuyển sang acetaminophen để giúp nhuận tràng nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước đặc biệt nếu bạn đang theo một chế độ sử dụng thuốc nghiêm ngặt do bác sĩ kê toa.

 

7. Dùng thuốc nhuận tràng quá liều

 

"Cơ thể bạn có thể phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng để kích thích nhu động ruột nếu bạn lạm dụng thuốc trong thời gian dài” Shah nói. Đây chỉ là một trong những tác dụng phụ liên quan đến việc lạm dụng thuốc nhuận tràng, bao gồm sự mất cân bằng điện giải, động kinh, tăng nhịp tim, đau cơ…

 

Để an toàn, hãy theo hướng dẫn trên hộp và không sử dụng bất kỳ loại thuốc nhuận tràng nào trong hơn một hoặc hai tuần mà không hỏi bác sĩ.

 

Đừng chủ quan nếu việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc hoạt động thể chất không giải quyết được vấn đề vì theo bác sĩ Chen "Một sự thay đổi trong ruột đôi khi có thể là dấu hiệu của một điều gì đó nguy hiểm hơn như ung thư đại trực tràng. Nếu bạn nhận thấy một sự thay đổi nhất quán, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức."