Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Bệnh lỵ trực khuẩn và những điều cần biết

12/09/2018

Lỵ trực khuẩn  là bệnh viêm đại trực tràng  do trực khuẩn Shigella gây nên. Thể điển hình cấp tính có biểu hiện lâm sàng là sốt, đại tiện nhiều lần, phân có nhầy và máu, có những cơn đau quặn bụng và mót rặn khi đại tiện. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và dễ phát thành dịch.

Nguyên nhân gây bệnh

 

Bệnh lỵ trực khuẩn đã có từ rất lâu. Nhưng phải tới năm 1896 trong một vụ dịch lỵ trực khuẩn ở Nhật, tác giả Shiga đã phát hiện mầm bệnh là Shigella shiga. Năm 1900 Flexneri và Strong đã tìm ra Shigella flexneri. Sau này Boyd, Lentz và nhiều tác giả khác đã tìm ra các chủng lỵ khác gây bệnh ở người.

 

Tác nhân  gây bệnh là trực khuẩn Shigella, thuộc họ Enterobacteriae (vi khuẩn đường ruột) là trực khuẩn gram (-), nhỏ, dài 1-3 mm, không có bao, không tạo bào tử, không di động, ái khí, có thể kỵ khí, mọc dễ dàng ở môi trường thạch lỏng 37oC.

 

Bệnh lỵ trực khuẩn lây qua đường tiêu hóa, lây trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp là từ người sang người hoặc do bàn tay bẩn nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp thường qua nước uống, thức ăn. Ruồi nhặng là mối đe dọa tiềm tàng ở các nước ôn đới, ở vùng khí hậu nóng, dân sống chen chúc tại các thành phố trong khi vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém.

 

Ảnh minh họa

 

Quá trình sinh bệnh

 

Trực khuẩn qua miệng tới dạ dày, do tính đề kháng với a xít cao nên nó vượt qua được hàng rào a xít ở dạ dày tới  ruột non rồi xuống tới đại tràng mới đột nhập vào niêm mạc đại tràng và gây bệnh. Trực khuẩn lỵ có thể xâm nhập tới hạch mạc treo đại tràng nhưng thường không tràn vào máu (Chỉ ở những cơ địa suy giảm miễn dịch nặng như bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn AIDS thì trực khuẩn Shigella mới đột nhập vào máu).

 

Tại niêm mạc đại tràng, trực khuẩn lỵ gây viêm xuất tiết, chảy máu, tiêu huỷ lớp  tế bào biểu mô niêm mạc; đồng thời giải phóng  độc tố. Độc tố tác động lên toàn thân gây hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc, các triệu chứng tim mạch, tiết niệu v.v.. Tại chỗ, độc tố tác động lên thần kinh hệ vận động, hệ cảm giác và hệ thực vật gây các triệu chứng đau quặn, mót rặn, đi ỉa nhiều lần, phân có nhiều máu, mủ, đôi khi chỉ có đi ỉa lỏng đơn thuần. Gây rối loạn các chức năng của ruột, mất thăng bằng nước, điện giải và kiềm toan.

 

Trước tác động của vi khuẩn và độc tố lỵ, cơ thể sẽ huy động mọi cơ chế tự vệ nhằm thải trừ vi khuẩn khỏi cơ thể.

 

Biểu hiện của bệnh

 

Bệnh phát đột ngột, không có triệu chứng báo trước với 2 hội chứng:

 

– Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao 38 – 39oC hoặc hơn, có rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp. Ở trẻ em có thể có cơn giật, đồng thời chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn (đôi khi bị nôn), BC tăng cao (10.000 – 13.000).

 

– Hội chứng lỵ: Đau bụng, lúc đầu đau âm ỉ quanh rốn rồi lan ra toàn bụng theo khung đại tràng, cuối cùng thành cơn đau quặn bụng, khu trú ở hố chậu trái làm bệnh nhân muốn đại tiện, mót rặn và rát hậu môn khi đại tiện, mỗi ngày đi hơn 10 lần. Lúc đầu phân sệt, sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. Nhầy nhiều, ít khi trong, thường đục nhờ nhờ, có khi vàng đục như mủ. Máu không tươi mà hồng nhạt hoặc sẫm như máu cá. Nhầy và máu hòa loãng với nhau không có độ bám dính.

 

Hội chứng nhiễm khuẩn thường ngắn, từ 2 đến 4 ngày, ít khi dài hơn. Hội chứng lỵ có thể từ 5 đến 10 ngày hoặc hơn, tùy thể bệnh, cơ địa. Ruột phục hồi chậm, trở lại bình thường sau 3 đến 4 tuần.

 

Biến chứng của bệnh

 

Biến chứng của lỵ trực khuẩn có thể xảy ra từ 0,1 – 10% tổng số trường hợp (khi chưa có kháng sinh): sa hậu môn ở trẻ em, viêm đa dây thần kinh, ít gặp, tự khỏi, không để lại di chứng.

 

Hội chứng viêm niệu đạo – khớp và kết mạc (hội chứng Fiessenger – Leroy – Reiter) xuất hiện sau ỉa chảy 2 tuần. Viêm niệu đạo và kết mạc giảm nhanh, còn viêm khớp khỏi chậm, có thể để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ. Thủng ruột, viêm màng bụng cũng rất hiếm, chỉ thấy ở trẻ con.

 

Ngày nay, tiên lượng trong bệnh lỵ trực khuẩn là tốt, tùy thể bệnh, thể địa, tuổi bệnh nhân. Bệnh chỉ nặng với trẻ nhỏ (mắc thể tối độc) hoặc người già cao tuổi, mắc nhiều bệnh cùng 1 lúc. Tử vong không quá 1%.

 

Điều trị bệnh

 

Bệnh nhân lỵ trực khuẩn phải được cách ly tại nhà, tại bệnh xá hoặc bệnh viện suốt thời gian bệnh cấp; dụng cụ, bát đĩa, ấm chén … đều phải dùng riêng. Khử khuẩn phân bằng Clorua vôi: 1 phần phân + nửa phần Clorua vôi trộn để 2 giờ, tẩy uế bô phân: ngâm trong dung dịch Cloramin 2%, luộc sôi bát đĩa, chai sữa, vú sữa; tẩy uế lần cuối buồng ở bằng Lysol 5%. Người phục vụ, tiếp xúc với bệnh nhân phải ngâm tay trong dung dịch Cloramin 1-2%.

 

Chế độ ăn: Chỉ hạn chế trong một vài ngày đầu, không được để bệnh nhân nhịn ăn dù chỉ 1 ngày, trở lại chế độ ăn bình thường từ ngày thứ ba, thứ tư trở đi. Đối với trẻ còn bú, vẫn cho bú như thường lệ, không giảm số lần, số lượng sữa mẹ ngay từ ngày đầu. Với trẻ đang bú sữa bằng chai, phải làm vệ sinh tốt các dụng cụ như bình đựng, vú sữa; đảm bảo chất lượng sữa pha chế, ngay từ ngày đầu, không hạn chế số lần uống, số lượng sữa. Với trẻ lớn, người lớn, trong vài ngày đầu dùng cháo ninh nhừ, đặc hoặc loãng, nấu với bột thịt, cá. Từ ngày thứ ba, thứ tư ăn cháo đặc với thịt, trứng, khoai tây nghiền, sữa chua, chuối quả, sau đó ăn cơm nát, thịt nạc luộc, nước hoa quả. Tránh thức ăn nhiều bã, thảo mộc khô.

 

Sử dụng thuốc: Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng sinh phù hợp. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lỵ trực khuẩn luôn phải tuân thủ nguyên tắc: Không dùng liều cao, không dùng phối hợp nhiều kháng sinh phổ rộng, không dùng kéo dài.

 

Truy cập website www.viemdaitrang.com.vn để biết thêm thông tin về bệnh viêm đại tràng hoặc gọi tới tổng đại miễn cước 1800545435 để được các chuyên gia tư vấn.