Chuyên trang thông tin dành cho người mắc bệnh đại tràng

Đau bụng do nhiều bệnh lý

13/09/2018

Đau bụng là một triệu chứng thường gặp, cường độ của cơn đau có thể dao động từ nhẹ âm ỉ đến oằn oại dữ dội khiến người bệnh phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, cơn đau thường không đặc hiệu và có thể xảy ra do nhiều bệnh lý. Vì thế việc chẩn đoán và điều trị bệnh được báo hiệu bằng đau bụng không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Suýt mổ vì nghĩ viêm ruột thừa

 

 

 Bà Lê Thị Ân (51 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) nhập viện vì đau bụng vùng trên rốn, sau đó khu trú ở 1/4 dưới bụng bên phải. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng cao, siêu âm và CT-scan bụng có hình ảnh viêm ruột thừa.

 

 Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, các bác sĩ trực ngoại khoa của Bệnh viện Trưng Vương chẩn đoán bệnh nhân bị viêm manh tràng.

 

 Kết quả nội soi cũng cho thấy người bệnh bị viêm vùng manh tràng quanh lỗ ruột thừa, và kết quả sinh thiết là viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu. Bệnh nhân không phải mổ, sau khi điều trị khoảng hai tuần thì bệnh ổn định và được xuất viện.

 

 Theo ThS.BS Đoàn Văn Trân - khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Trưng Vương, đau bụng là cảm giác đau xảy ra ở bất cứ vị trí nào của vùng bụng (giữa ngực ở trên và vùng bẹn ở dưới) tùy thuộc vào cơ quan nào bị tổn thương.

 

Ảnh minh họa

 

 Khái niệm đau bụng nói chung thường được sử dụng để mô tả cơn đau có nguồn gốc từ các cơ quan nằm bên trong ổ bụng như dạ dày, ruột non, ruột già, gan, túi mật, lá lách và tuyến tụy.

 

 Có ba cơ chế chính gây ra đau bụng:

 

(1) Màng bụng bị tổn thương hoặc bị kích thích do hiện tượng viêm của một cơ quan trong ổ bụng như viêm ruột thừa, viêm túi thừa...

 

 (2) Do kéo giãn, căng trướng hoặc co thắt của một tạng như tắc ruột, tắc mật, căng bao gan trong viêm gan...

 

 (3) Do mất nguồn cung cấp máu cho một cơ quan (thiếu máu vì bị tắc mạch do huyết khối hoặc do xoắn một cơ quan nào đó).

 

Tuy nhiên, đau bụng cũng có thể xảy ra vì những lý do không rõ ràng, thường là do yếu tố thần kinh (không theo ba cơ chế trên), như đau bụng gặp trong bệnh hội chứng ruột kích thích. Kiểu đau trong bệnh này thường được gọi là đau chức năng vì không có nguyên nhân nào gây ra đau được tìm thấy.

 

 Khai thác chính xác đặc điểm của cơn đau sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng.

 

Bao gồm kiểu khởi phát: từ từ hay đột ngột; thời gian đau: cơn đau xảy ra cách bao lâu; vị trí cơn đau: trên hay dưới rốn, bên trái hay bên phải; cường độ cơn đau: từ 1-10 điểm (nhẹ nhất cho đến nặng nhất); tính chất cơn đau: đau âm ỉ, quặn từng cơn hay từng cơn trên nền đau âm ỉ; hướng lan: cơn đau lan đến vị trí nào khác của cơ thể; yếu tố làm cơn đau tăng lên hoặc thuyên giảm: cử động, nằm im, ăn uống...; triệu chứng kèm theo: sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, bón, tiểu gắt, tiểu máu...

 

Ảnh minh họa

Tại sao đau bụng khó chẩn đoán?

Ngày nay có nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại có thể giúp xác định nguyên nhân gây đau bụng nhanh và chính xác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra đau bụng. Theo BS Trân, các khó khăn đó là:

 - Triệu chứng bệnh không điển hình: trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, những cơ quan này có thể nằm gần nhau cho nên biểu hiện đau gần giống nhau vì thế việc chẩn đoán chính xác đòi hỏi phải có kỹ năng thăm khám của người thầy thuốc, kết hợp với việc am hiểu và sử dụng đúng các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng.

 Một số trường hợp khó, phải phẫu thuật hoặc nội soi vào ổ bụng mới chẩn đoán chính xác được. Ví dụ viêm ruột thừa là bệnh lý thường gặp, biểu hiện đau thường gặp nhất ở 1/4 bụng dưới bên phải.

 Tuy nhiên, có thể gặp ở vùng bụng 1/4 trên bên phải do ruột thừa nằm dưới gan, đau ở hông lưng phải do ruột thừa sau manh tràng, đau ở bụng dưới do ruột thừa nằm ở tiểu khung, đau ở giữa bụng do ruột thừa dài có đầu ruột thừa thay đổi vị trí bất thường và thậm chí biểu hiện đau bụng bên trái do xảy ra ở bệnh nhân đảo ngược phủ tạng...

 Mặt khác, biểu hiện đau ở bụng 1/4 dưới phải nhưng có thể không do viêm ruột thừa mà do viêm manh tràng, viêm hồi tràng, viêm túi thừa vùng manh tràng, viêm túi thừa ruột non, viêm hạch mạc treo ruột, xoắn bờm mở trong ổ bụng, viêm nhiễm vùng vòi dẫn trứng...

 Những bệnh nhân lớn tuổi và người dùng thuốc corticoide có thể có ít hoặc không đau bụng khi bị viêm, ví dụ với viêm túi mật và viêm túi thừa (do người già có ít triệu chứng và dấu hiệu của viêm, và corticoide làm giảm viêm).

 - Kết quả xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh không phải luôn cho kết quả bất thường.

 - Bệnh có thể biểu hiện giống một bệnh khác: triệu chứng viêm ruột thừa điển hình có thể nhầm với viêm túi thừa manh tràng.

 - Các đặc điểm của đau bụng có thể bị thay đổi: đau bụng do viêm tụy cấp khởi đầu thường khu trú ở vùng trên rốn, nhưng sau đó có thể lan khắp ổ bụng.

Cần sự hỗ trợ của người bệnh

 Thầy thuốc rất cần sự hỗ trợ của người bệnh để việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng được chính xác hơn. Người bệnh cần:

 - Mô tả chi tiết và đầy đủ những biểu hiện mà mình cảm nhận được hiện tại.

- Báo cho thầy thuốc những bất thường về sức khỏe trong quá khứ.

 - Hợp tác đầy đủ và tuân thủ những yêu cầu của thầy thuốc khi khám bệnh.

 - Báo cho thầy thuốc ngay những biểu hiện bất thường trong quá trình theo dõi bệnh.

 - Khi có những thắc mắc, cần hỏi ý kiến của thầy thuốc, không tự ý làm theo ý mình hoặc lời khuyên của người khác.

 Việc điều trị đau bụng tùy thuộc vào nguyên nhân, nói chung có thể chia thành hai nhóm: đau bụng do nguyên nhân nội khoa, ví dụ viêm dạ dày, viêm manh tràng... thì chỉ cần dùng thuốc.

 Nếu đau bụng do nguyên nhân ngoại khoa, ví dụ viêm ruột thừa, tắc mật, tắc ruột... thì thường phải phẫu thuật.

 Tuy nhiên có nhiều tình huống khó có thể phân biệt rõ ràng là nội khoa hay ngoại khoa. Trong tình huống này, người thầy thuốc sẽ không cho thuốc giảm đau mà dùng triệu chứng này để theo dõi cho đến khi tìm ra nguyên nhân.

Theo Tuoitre