Nhận dạng đau bụng nguy hiểm
Đau bụng là một danh từ chung chung vì bệnh của bất kỳ một cơ quan nào nằm trong ổ bụng đều có triệu chứng đau. Tuy vậy, tính chất đau bụng đôi khi không hoàn toàn giống nhau mà có đặc thù riêng của từng bệnh.
Danh từ bụng, người ta muốn ám chỉ là ổ bụng. Ổ bụng bao gồm từ mũi ức xuống tận đáy chậu. Bụng gồm có 2 vùng chính là thượng vị (trên rốn) và hạ vị (dưới rốn). Ổ bụng gồm có các tạng cơ bản như dạ dày - tá tràng, gan, lách, tuỵ tạng, hệ thống mật (đường dẫn mật và túi mật), ruột (đại tràng, ruột non, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang), với phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo. Bao phủ các tạng trong ổ bụng là màng bụng.
Đau thượng vị (dưới mũi ức) thường là đau do hội chứng dạ dày (viêm loét dạ dày hay viêm loét dạ dày - tá tràng), có khi là triệu chứng của viêm tuỵ cấp, mạn tính. Nếu đau thượng vị lệch sang phải có thể là bệnh của gan, đường dẫn mật và túi mật. Nếu vị trí đau dịch xuống có thể là vị trí của thận, niệu quản. Cơn đau dạ dày, viêm tuỵ (đặc biệt là viêm cấp tính) hay cơn đau do sỏi niệu quản thường dễ bị nhầm lẫn bởi tính chất đau của mỗi bệnh khó xác định, vì vậy, cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm.
Ảnh minh họa
Đau bụng do dạ dày tá tràng còn tùy theo tình trạng của bệnh. Đau âm ỉ, liên tục cả khi đói lẫn khi no hoặc đau nhiều lúc đói có thể do loét dạ dày - tá tràng, đau khi ăn no do viêm dạ dày hoặc đau như dao đâm có thể thủng dạ dày. Đau bụng quằn quại sau khi vận động hay sau khi đi xe bị xóc nhiều có thể là cơn đau của sỏi thận, niệu quản. Cơn đau bụng do hệ thống gan mật thường xảy ra sau bữa ăn. Hay gặp nhất là đau do sỏi mật. Với bệnh sỏi mật, ngoài đau còn sốt và vàng da. Đau dạ dày, sỏi thận hay là bệnh gan mật còn có thể thấy nôn, buồn nôn, đau lan ra sau lưng, lên vai, ngực. Đau thượng vị lệch sang trái có thể là lách sưng, đau hoặc là bệnh của thận và niệu quản trái. Cơn đau do sỏi thận, niệu quản cũng dữ dội, lan tỏa, có thể kèm theo đái buốt, đái rắt, đái máu. Đau bụng dữ dội có thể viêm phúc mạc do thấm mật hoặc dịch tuỵ chảy vào ổ bụng hoặc do thủng dạ dày đưa dịch vị, thức ăn vào làm viêm phúc mạc.
Triệu chứng đau bụng là triệu chứng để người bệnh tìm đến thầy thuốc và thầy thuốc cũng lấy triệu chứng đó để khai thác các triệu chứng khác, tìm hiểu tiền sử và các vấn đề liên quan đến bệnh. Tuy vậy, để chẩn đoán xác định đau thượng vị không thể không dựa vào các kết quả xét nghiệm, siêu âm, Xquang. Nhiều kết quả của cận lâm sàng đóng vai trò tích cực trong việc chẩn đoán bệnh đau thượng vị. Các bệnh sỏi tiết niệu, sỏi đường dẫn mật thì siêu âm, Xquang rất có giá trị hoặc xét nghiệm máu thấy chỉ số amilase tăng cao có thể do viêm tuỵ cấp tính.
Vùng hạ vị cũng rất hay bị đau do nhiều cơ quan định vị trong đó. Đau hạ vị đáng quan tâm nhất là viêm ruột thừa. Cơn đau của viêm ruột thừa ở phía bên phải (hố chậu phải). Đau có khi âm ỉ nhưng cũng có khi thành từng cơn, kèm theo đau còn có sốt nhẹ (trên 37oC), buồn nôn, nôn, bí trung tiện. Đối với bệnh viêm ruột thừa thì người ta khuyên rằng thà chẩn đoán nhầm (không bị viêm ruột thừa mà chẩn đoán là viêm ruột thừa) còn hơn là bỏ sót. Vì vậy, khi đau bụng mà không rõ nguyên nhân thì cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện, nhất là trẻ em (vì viêm ruột thừa ở trẻ em rất đa dạng, khó chẩn đoán). Đau hạ vị do viêm đại tràng cũng là bệnh thường hay gặp, đặc biệt là viêm đại tràng mạn tính căn nguyên do lỵ amip. Viêm bàng quang cấp tính nhiều khi cũng gây đau bụng dưới kèm theo đái buốt, đái rắt, đái máu.
Đối với nữ giới, viêm tử cung, buồng trứng, vòi trứng cũng gây đau bụng dưới, đặc biệt là đau bụng dưới do u nang buồng trứng xoắn hoặc chửa ngoài dạ con vỡ, nếu ở bên hố chậu phải thì rất dễ nhầm với viêm ruột thừa cấp tính. Cũng như đau thượng vị, để chẩn đoán chính xác đau hạ vị rất cần có sự hỗ trợ tích cực của cận lâm sàng. Ngoài đau bụng khu trú ở thượng vị hay hạ vị thì có thể gặp đau bụng không thấy khu trú rõ ràng ở một vùng nào nhất định như xoắn ruột, tắc ruột, viêm phúc mạc...
Khi bị đau bụng, nên làm gì?
Khi bị đau bụng, cần đi khám bệnh ngay, đi càng sớm càng tốt. Càng thận trọng khi trẻ em kêu đau bụng vì viêm ruột thừa ở trẻ em phức tạp và rất khó chẩn đoán nếu không phải là bác sĩ chuyên khoa ngoại. Nếu thấy đau nhiều, dữ dội, liên tục, có tiền sử bệnh dạ dày, bệnh gan, mật thì càng nên đến phòng khám để được xác định bệnh. Riêng đau hố chậu phải, cần hết sức thận trọng, đôi khi chỉ đau âm ỉ nhưng lại là viêm ruột thừa. Riêng đối với nữ giới, khi đau hố chậu phải, ngoài việc cảnh giác với bệnh ruột thừa cũng cần cảnh giác với bệnh u nang buồng trứng xoắn hoặc chửa ngoài dạ con (với phụ nữ đã có gia đình hoặc có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai). Những người mắc bệnh đau bụng mới bị lần đầu (dạ dày, gan, mật, đường tiết niệu, bệnh phần phụ (nữ giới), nên điều trị dứt điểm và nên đi khám bệnh định kỳ để được bác sĩ tư vấn và có những lời khuyên hữu ích. Không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc để điều trị, nếu làm như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Theo SKĐS